Không hẹn mà gặp, Bí thư hai thành phố lớn nhất nước đều được cử tri hỏi về vụ Vinashin, khi hai ông đi vận động bầu cử cuối tuần qua.
>> 'Một con sâu đã nguy hiểm huống gì một bầy'
>> Mong nói ít làm nhiều
Buổi vận động cử tri ở quận Hai Bà Trưng của Bí thư Thành ủy HN Phạm Quang Nghị cũng như của Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải ở quận 10 đều đông kín người dự.
Cùng bảng với ông Nghị là Chủ tịch Hội hóa học HN Bùi Thị An, Phó Giám đốc Trung tâm giới thiệu việc làm HN Nguyễn Toàn Phong, Phó Hiệu trưởng trường THPT Kim Anh, Ngô Thị Lan Phương, và Tổng cục phó Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm Đỗ Kim Tuyến.
Còn 4 ứng viên cùng bảng với ông Hải là Phó Giám đốc đại học Quốc gia TP.HCM Huỳnh Thành Đạt, Phó Giám đốc trung tâm hiến máu nhân đạo TP Phạm Kim Hồng, Chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên VN Nguyễn Phước Lộc và Tổng Giám đốc công ty cổ phần công nghệ Tiên Phong Lâm Thiếu Quân.
Không để có một Vinashin khác
Dẫn một số ví dụ về sai phạm và thất thoát tiền dân như vụ Vinashin, cử tri Nguyễn Công Chất (phường Phạm Đình Hổ) đặt câu hỏi về chức năng giám sát của QH. "Vinashin thất thoát gần 100 nghìn tỷ đồng, 10 đoàn giám sát của Chính phủ vào đều không phát hiện sai phạm", ông Chất nói. "Vậy QH đã làm tốt chức năng giám sát của mình?".
Ứng cử viên Phạm Quang Nghị chia sẻ rằng những vụ việc đó không chỉ khiến các cấp lãnh đạo và người dân day dứt về những con số cụ thể, mà còn về hậu quả giảm sút lòng tin của dân đối với sự chỉ đạo điều hành của Chính phủ.
"Làm sao không để tái lập Vinashin ở các tập đoàn khác trong tương lai mới là vấn đề cơ bản hơn, lớn hơn", ông Nghị nói. "Việc này đang được QH, cơ quan quyền lực cao nhất nước, quan tâm và tìm cách giải quyết một cách toàn diện, chắc chắn sẽ đến nơi đến chốn".
Cùng chung mối quan tâm, cử tri Nguyễn Thị Sâm (phường 8, quận 10) cho rằng vụ Vinashin khiến người dân rất băn khoăn. "Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã nói sẽ không để "chìm xuồng" vụ Vinashin, chúng tôi cũng cảm thấy an tâm. Nhưng chúng tôi mong các ứng cử viên sau khi trúng cử, cần làm rõ ai tham nhũng, tham nhũng như thế nào và có xử lý thích đáng".
Ứng viên Lê Thanh Hải cam kết: "Nếu trúng cử ĐBQH, tôi sẽ quyết tâm thực hiện quyết liệt cải cách hành chính, công khai minh bạch mọi quy định để tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân tham gia giám sát; hoàn thiện cơ chế để phòng chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu có hiệu quả".
Dân sẽ dõi theo người trúng cử
Cử tri Lê Đình Long (phường Phố Huế, quận Hai Bà Trưng, HN) cũng đau đáu việc giảm sút lòng tin của dân, nhất là trong bối cảnh kinh tế có tăng trưởng mà lạm phát, giá cả vẫn khiến đời sống người dân lao đao. Ông Long chỉ ra, người dân cần các ĐBQH mà họ bầu ra sáng suốt chọn những người thực sự ưu tú vào các chức vụ lãnh đạo cao nhất.
Ông Long cũng đề nghị QH nên có cơ quan điều tra nghiên cứu tín nhiệm đối với các thành viên Chính phủ để nếu ai làm kém thì phải miễn nhiệm không cần chờ hết nhiệm kỳ.
Ông Phạm Quang Nghị chia sẻ mong muốn về một cơ chế đánh giá cán bộ: "Hiện Hà Nội đã có cơ chế bỏ phiếu tín nhiệm hàng năm đối với cán bộ chủ chốt cấp cơ sở và đang tỏ ra có tác dụng tốt, mong rằng cơ chế này có thể tiếp tục nâng lên đến cấp trung ương để QH có thể đánh giá các thành viên Chính phủ". Ông cũng cho biết việc này đang được Trung ương Đảng bàn bạc, vừa làm vừa tổng kết để tìm ra phương pháp tối ưu.
Cử tri quận Hai Bà Trưng, HN cũng như quận 10, TP.HCM đều tỏ ra tin tưởng ở người lãnh đạo thành phố mình. Ông Hoàng Trọng Lượng (phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng) và ông Nguyễn Văn Tri (phường Đồng Nhân) nhấn mạnh, người dân sẽ giám sát việc các ứng cử viên có thực hiện đúng chương trình hành động khi trúng cử không, đặc biệt là những lời họ đã hứa trước dân.