Nguyễn Phương Mai, từng là một cây viết của Hội bút Hương Đầu Mùa và sau đó làm báo và trở thành nữ thư ký tòa soạn trẻ nhất ở thời điểm bấy giờ.
Việc Mai bỏ công việc làm báo để quay sang làm nghiên cứu sinh cũng đột ngột như việc chị bỏ tấm bằng sư phạm để làm báo vậy.
Hiện giờ, Phương Mai đang là tiến sĩ, giảng viên của Đại học Kinh tế Amsterdam (Hà Lan) với ngành học về Đàm phán và Giao tiếp văn hóa Đông Tây. Phương Mai vừa trở về sau một hành trình dài, một mình du lịch qua hơn 20 quốc gia châu Phi và châu Mỹ La-tinh với dự kiến viết một cuốn sách về du lịch.
Cảm giác của chị trong ngày tốt nghiệp: nhỏ bé và trẻ trung giữa châu Âu và nhận tấm bằng tiến sĩ? Và bây giờ, vẫn nhỏ bé và trẻ trung đứng trên giảng đường một trường đại học ở Âu châu?
Ngày tốt nghiệp có thể ví như ngày cưới: mệt, cười trừ nợ, mặc áo dài truyền thống và là trung tâm của mọi sự chú ý (Nhất là đám cưới này không có chú rể nên lại càng bị soi tợn). Bây giờ, đứng trên giảng đường thì như tuần trăng mật, thoải mái và xả láng chứ không cần phải giữ mình nữa. Mỗi lần vào đầu năm học, tôi lại thấy vui vì được dịp để hù dọa đám sinh viên mới nhập học, nhất là mấy đứa thích tán tỉnh vớ vẩn, xin số điện thoại. Chúng xin được rồi thì hết hồn vì thấy con bé mình vừa làm quen bỗng dưng đứng dậy, xách đồ lên bục giảng.
Nhiều người đùa, con người có 3 loại: Đàn ông, đàn bà và đàn bà làm tiến sĩ đấy?
Phụ nữ trong xã hội trọng nam thì bị nhìn như vậy là điều dễ hiểu thôi. Điều này xuất phát từ nỗi lo sự tiềm ẩn bị mất thế thượng phong của đàn ông. Gã nào phát biểu câu này chắc chắn một là yếu sinh lý, hai là yếu sinh khí nên mới thiếu tự tin đến thế trước phụ nữ thông minh, có học vấn.
Có khi nào chị tâm sự với sinh viên của mình về những điều ràng buộc phụ nữ châu Á trong quan điểm xã hội về học vấn và sự hòa nhập với xã hội của phụ nữ không?
Không phải tâm sự nữa mà là giảng dạy, nghiên cứu và hướng dẫn sinh viên tìm hiểu bản chất sâu xa của các giá trị văn hóa khác nhau, để có cái nhìn toàn cảnh, không bị các câu chuyện lặt vặt làm ảnh hưởng đến gốc rễ của vấn đề. Ví dụ như các giá trị cộng đồng ở châu Á không chỉ ràng buộc mà còn là sức mạnh gắn kết gia đình, xã hội và tạo nên một sức mạnh đoàn kết tương ái mạnh mẽ mà xã hội châu Âu không có được. Việc cân bằng ảnh hưởng tiêu cực và tích cực của mọi giá trị là công việc liên tu bất tận, mọi xã hội cũng như cá nhân phải tự tìm cách giải quyết khác nhau trong mọi trường hợp cụ thể.
Nhiều phụ nữ cảm thấy họ rất hạnh phúc vì được coi là phái yếu, được nhường nhịn, được chiều chuộng, được nâng niu...?
Có thể bằng những hành động, cử chỉ, lời nói khác nhau, nhưng tôi nghĩ, đã làm người thì ai cũng muốn được nâng niu, nhường nhịn, chiều chuộng. Không chỉ từ người mình yêu thì cũng từ những người xung quanh.
Nhưng phụ nữ quá độc lập, dường như đàn ông sẽ không còn coi họ là phụ nữ. Tức là càng bình đẳng, đàn ông – đàn bà giống nhau mất rồi?
Phụ nữ và đàn ông xét về góc độ bản năng giới là khác nhau. Hàng nghìn năm qua đàn ông săn bắn, xây nhà, đàn bà chăm sóc gia đình, xây tổ ấm. Mới chỉ khoảng vài chục năm trở lại đây, sau thế chiến thứ hai, do chiến tranh liên miên, đàn ông bắn và đánh nhau suốt ngày nên đàn bà mới buộc phải cầm súng đi săn để kiếm ăn.
Thế rồi kỹ thuật công nghiệp phát triển, súng ống đạn dược được hiện đại hóa đến độ muốn trở thành thợ săn giỏi thì không nhất thiết phải cao to, đen hôi mà chỉ cần trí óc sáng sủa, thì đàn bà cũng có thể săn bắn giỏi ngang đàn ông. Tuy nhiên, hình thái xã hội này thay đổi quá nhanh, chỉ trong vài chục năm, trong khi hình thái tâm lý (rằng đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm) đã in hằn vào xã hội hàng triệu năm. Dễ dàng nhận thấy đây là cuộc đua không cân sức và sự mất cân bằng giữa hai hình thái xã hội và tâm lý sẽ còn dai dẳng.
Cũng vì lý do này mà đàn bà ở đâu cũng phải chịu bất công chứ chẳng riêng châu Á, điều khác nhau là ở mức độ ít nhiều mà thôi. Đứng trước hoàn cảnh lịch sử để lại này chúng ta có hai lựa chọn. Một là chấp nhận và chịu thua. Hai là chấp nhận và cố gắng thu nhỏ khoảng cách khác biệt. Lựa chọn thứ nhất dành cho kẻ có hiểu biết nhưng yếu đuối. Lựa chọn thứ hai dành cho kẻ có hiểu biết, mạnh mẽ và tự tin. Có một sự lựa chọn thứ ba hy vọng không phải của độc giả tạp chí Đẹp, đó là không chấp nhận, quăng tờ báo này sang một bên và nhấc điện thoại để gọi về nấu cơm ngay tức khắc.
Quan điểm xưa cũ của người Việt rằng, phụ nữ không quá cần thiết phải đeo đuổi học vị và học vấn, điều quan trọng nhất của họ là thiên chức làm mẹ và làm chủ gia đình? Nó có sai khi so với quan điểm của chị?
Trước hết phải nhấn mạnh rằng có sự khác nhau giữa quan điểm và cách sống. Quan điểm của tôi tương đối nhất quán, đó là phụ nữ nên theo đuổi hoài bão của mình, bất kể hoài hão đó là con đường sự nghiệp hay con đường gia đình. Tuy nhiên cách sống của tôi thay đổi theo vùng miền
mà tôi sinh sống. Có nhiều cách sống khác nhau để đạt được mục đích nhất định. Phương Tây có câu “đến Rome đâu chỉ có duy nhất một con đường”. Quan điểm là xương cốt, cách sống là da thịt. Quan điểm là hạt nhân, còn cách sống là cái vỏ bên ngoài.
Vậy áp lực xã hội có phải là một thứ quái gở kìm nén phụ nữ?
Áp lực xã hội là một cỗ máy đạo đức có chức năng kiểm soát tất cả chúng ta, chứ không cứ gì là phụ nữ.
Nhưng nếu phải chọn lựa giữa cá nhân và xã hội, giữa gia đình và công việc, tình yêu và lý trí. Chị chọn gì và chị thấy phụ nữ nên cân nhắc điều gì trước khi chọn?
Rất khó có thể sống dựa vào một nguyên tắc lựa chọn nhất định. Cá nhân hay xã hội, gia đình hay công việc? Tùy từng hoàn cảnh mà tôi quyết định. Người Việt mình do hoàn cảnh lịch sử nhiều bấp bênh nên đã hình thành một cách sống rất linh hoạt, “ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”. Ở đâu hay trong hình dạng nào thì cuối cùng vẫn là nước mà thôi. Có lẽ tôi phải thêm một cách hình tượng hóa nữa vào câu hỏi trước của anh. Quan điểm là nước, còn cách sống là bình.
Giữa tình yêu và lý trí, phải lựa chọn là một điều đau đớn. Tuy nhiên, lại cũng tùy thuộc vào vùng miền sinh sống mà mức độ phải lựa chọn có thể khác nhau. Trong xã hội châu Á, lý trí có thể đóng vai trò lớn hơn trong xã hội châu Âu. Chính vì thế mà ở châu Á, người tình không đồng nghĩa với người phối ngẫu, còn ở phương Tây thì ngược lại. Tôi may mắn được sống ở châu Âu nên không phải lo nghĩ đến chuyện lựa chọn trong tình yêu. “Hóc-môn” nó bảo gì thì mình nghe nấy thôi.
Chuyến đi dài năm qua của chị, khi được nhìn thấy phụ nữ ở nhiều quốc gia còn thiếu thốn và lạc hậu hơn chúng ta thế nào?
Như tôi đã nói, phụ nữ ở đâu cũng phải chịu bất công, mỗi nơi một kiểu. Sự bất bình đẳng giới có thể lộ liễu như việc gả bán trẻ em gái vị thành niên cho những ông già 70 tuổi, hoặc tiềm ẩn như việc nhiều bé gái ở châu Phi không được phép hoặc không thể đến trường. Lý do rất đơn giản, vì trường không có nhà vệ sinh nữ.
Còn phụ nữ Việt Nam giờ đây phải chịu áp lực từ việc vừa giỏi việc nước, vừa phải đảm việc nhà, thế nên họ vừa được khen nhiều (không đâu ở châu Á sếp nữ nhiều như ở nước mình), nhưng cũng bị... chê lắm. Cố đằng này thì thụt đằng kia, kiểu gì cũng sẽ bị một bên trách móc và một bên ca tụng.
Cuối cùng, hãy nói về chị, điều gì đàn bà nhất ở chị?
Điều đàn bà nhất ở tôi là hình hài do cha mẹ sinh ra. Điều tôi thích nhất khi được là phụ nữ là được chăm sóc, hoặc tiếp nhận sự chăm sóc, vun vén, vuốt ve và tô điểm cho nó hàng ngày.