So với vàng, đồng đô la Mỹ đã tụt xuống mức thấp nhất trong lịch sử, trong khi bị các đồng tiền khác như đồng nhân dân tệ của Trung Quốc thách thức địa vị độc tôn.
Hồi những năm 1970, khi đến tham dự Liên hoan điện ảnh Cannes, ngôi sao màn bạc Cary Grant còn có thể đổi 1 USD lấy 4 Franc Thụy Sĩ (CHF). Bây giờ, ngôi sao màn bạc Hollywood đàn em là George Clooney phải bỏ ra hơn 1 USD thì mới có trong tay 1 CHF. Trong vòng chưa đầy 5 thập kỷ, đồng đô la Mỹ đã mất đi hơn ¾ giá trị so với đồng Franc Thụy Sĩ.
Hồi đầu những năm 1970, giá vàng chỉ ở mức 35 USD/ounce. Ngày nay, giá vàng đã có lúc lên tới 1.488 USD/ounce.
Câu chuyện này cho thấy đồng đô la Mỹ đang trên đà xuống dốc không phanh và đứng trước nguy cơ phải chia tay với ngôi vị độc tôn là đồng tiền thanh toán và dự trữ số 1 thế giới.
Đồng đô la Mỹ đang trải qua một cơn khủng hoảng lòng tin và điều này đang dần dần chôn vùi vị thế của nó. Ngày càng xuất hiện nhiều nghi ngờ về vai trò trụ cột của đồng USD trong hệ thống tài chính thế giới, khi nhóm BRICS bao gồm các nền kinh tế mới nổi là Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi đã công khai thách thức địa vị độc tôn của đồng đô la Mỹ.
Riêng Trung Quốc đã sở hữu lượng dự trữ ngoại hối trị giá trên 3.000 tỷ USD và phần lớn trong số đó được dự trữ bằng đồng USD. Trung Quốc hiện đang ráo riết đổi USD lấy vàng và điều này đã châm ngòi một cơn khủng hoảng lòng tin của đồng tiền Mỹ.
Đồng USD đã “có vấn đề” từ lâu, nhưng các khoản nợ khổng lồ và chính sách “đồng đô la rẻ” của Washington đã và đang khiến cho căn bệnh kinh niên của nó ngày càng trở nên trầm trọng.
Kể từ tháng 1/2011 đến nay, đồng USD đã bị mất giá tới 6% so với một số đồng tiền mạnh trên thế giới. So với đồng Euro (EUR), đồng USD đã bị mất giá tới 8%. Hầu hết các chuyên gia phân tích thị trường đều cho rằng chẳng bao lâu nữa tỷ giá hối đoái sẽ là 1,50 USD/1 EUR và giá vàng đang tiến tới 1.600 USD/ounce. Thậm chí, một số chuyên gia còn tiên đoán giá vàng có thể leo lên mức 2.000 USD/ounce.
Vào cái thời đồng đô la Mỹ được bảo đảm bằng vàng (năm 1944), sản lượng hàng hóa công nghiệp của Mỹ còn chiếm tới 50% sản lượng toàn thế giới. Hiện thời, tỷ trọng này đã giảm xuống còn xấp xỉ 25%. Mặc dù qui mô của nền kinh tế Mỹ vẫn là số 1 thế giới (GDP của Mỹ là 14.300 tỷ USD, cao hơn 2 lần GDP của cường quốc kinh tế số 2 là Trung Quốc), nhưng nền kinh tế này đang mất dần động lực tăng trưởng. Đà phục hồi kinh tế Mỹ sau khủng hoảng đang bị chững lại và thậm chí một số lĩnh vực của nền kinh tế này vẫn còn ngụp lặn trong “vũng bùn suy thoái”. Số nhà mới được xây dựng hiện chỉ bằng 20% của thời đỉnh điểm trong năm 2005, trong khi tỷ lệ thất nghiệp vẫn dai dẳng bám lấy con số 9%.
Trong khi đó, chính phủ Mỹ lại đang theo đuổi chính sách “in thêm tiền để vực dậy nền kinh tế Mỹ”. Điều này đã khiến cho thâm hụt ngân sách của chính quyền Obama trong năm 2011 dự kiến lên tới 1.600 tỷ USD, tương đương với 11% GDP của Mỹ.
Do thu không đủ bù chi, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED – Ngân hàng Trung ương Mỹ) đã in thêm 2.300 tỷ USD để tung ra thị trường và theo đuổi chính sách “đồng đô la rẻ”, áp dụng chính sách lãi suất chủ đạo gần như bằng không.
Trong khi đó, lãi suất chỉ đạo của Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) có thể được nâng lên mức 2,25% vào đầu năm 2012 và ECB còn dự kiến sẽ tiến hành nhiều đợt nâng lãi suất nữa. Các nước đang phát triển năng động thuộc nhóm BRICS cũng đang liên tục tăng lãi suất chỉ đạo và các đồng tiền của họ đang liên tục lên giá so với đồng đô la Mỹ. Thậm chí, một đồng tiền của Nhóm BRICS là đồng Nhân dân tệ (CNY) đang trên đà “nhuộm đỏ đồng bạc xanh”.
Chỉ có điều, đồng Nhân dân tệ còn lâu mới có thể soán ngôi của đồng đô la Mỹ, do chính phủ nước này tiếp tục theo đuổi chính sách kiểm soát và can thiệp vào thị trường ngoại hối. Trong vòng 12 tháng qua, đồng Nhân dân tệ (vốn được định giá thấp hơn thực tế) chỉ tăng có 4,5% so với đồng đô la Mỹ.
Theo: tamnhin.net