Ở các nước đang phát triển (trong đó có VN), những nhà đầu tư chuyên nghiệp thực hiện hành vi đầu tư có lựa chọn ngành nghề phù hợp với thực trạng kinh tế, luật pháp, chính sách của chính phủ quốc gia, v.v… phù hợp với các nguồn lực trong nội bộ, thích nghi với xu hướng phát triển của thế giới. Họ coi trọng giá trị hay chất lượng nguồn nhân lực, xem đây là yếu tố quyết định khả năng xây dựng các lợi thế cạnh tranh (tạo ra sản phẩm có đặc trưng khác biệt, có nhiều lợi ích dành cho khách hàng, cải tiến liên tục để nâng cao lợi ích, cải tiến quản lý & hoàn thiện cơ cấu tổ chức để tiết kiệm chi phí, v.v…) vì chất lượng nguồn nhân lực (quản lý, thừa hành) là yếu tố giúp doanh nghiệp thực hiện thành công các chiến lược cạnh tranh.
Nhà đầu tư & nhà quản trị chuyên nghiệp chủ động xây dựng và nâng cao giá trị văn hóa tổ chức (dựa trên cơ sở giá trị văn hóa cá nhân của các thành viên hay chất lượng nguồn nhân lực) theo thời gian vì họ mong đạt được hiệu quả lâu dài, cả kinh tế lẫn xã hội. Nền tảng để xây dựng văn hóa tổ chức là “Qui tắc đạo đức kinh doanh”, bao gồm những điều “cần thực hiện và không được thực hiện” khi là thành viên của công ty (từ nhà quản trị cấp cao đến người thừa hành). Qui tắc này vừa là cở sở để định hướng suy nghĩ và hành vi của các thành viên trong quá trình thực hiện các phần việc được phân công, vừa là cơ sở để phán xét hành vi (nếu vi phạm) trong thực tế.
Căn cứ để quyết định các điều khoản trong “Qui tắc đạo đức kinh doanh” là:
- Qui tắc đạo lý trong văn hóa truyền thống Đông-Tây (kể cả phong tục, tạp quán của các dân tộc và tín ngưỡng của các tầng lớp dân cư).
- Các qui định của luật pháp và chính sách của các quốc gia (nơi đầu tư, nơi mua hàng & bán hàng).
- Các quan điểm về ‘trách nhiệm xã hội’ của nhà đầu tư & nhà quản trị cấp cao như: Đầu tư phải có hiệu quả & Kinh doanh phải có lợi nhuận hợp pháp - Chủ động bồi thường thiệt hại cho các đối tác do những sơ sót của doanh nghiệp trong quá trình hoạt động – Chủ động thực hiện các hoạt động xã hội nhằm bảo vệ các lợi ích các thành viên trong tổ chức & cộng đồng xã hội (trong đó có lợi ích lâu dài của doanh nghiệp).
Nội dung “Qui tắc đạo đức kinh doanh” gắn liền với giá trị tri thức hay sự hiểu biết của các thành viên trong tổ chức, nhất là nhóm nhà quản trị cấp cao. Qui tắc có thể được điều chỉnh theo không gian và thời gian để thích nghi với các đặc trưng của môi trường kinh doanh và xu hướng phát triển của thế giới.
Trong thực tế, bên cạnh các nhà đầu tư chuyên nghiệp vẫn còn nhiều nhà đầu tư chưa chuyên nghiệp. Đặc trưng của “đầu tư chưa chuyên nghiệp” là nhà đầu tư & nhà quản trị chỉ quan tâm đến lợi ích của bản thân mình, tập trung quan tâm đến các lợi ích trước mắt hơn là lợi ích lâu dài của doanh nghiệp, họ coi thường lợi ích của các đối tác (nhân viên, khách hàng, người cung cấp các nguồn lực, v.v…) và quyền lợi cộng đồng. Vì vậy, hiện tượng bóc lột sức lao động người làm thuê, lừa dối khách hàng, móc ngoặc hay bội tín với nhà cung cấp, khai thác tài nguyên thiên nhiên bừa bãi, gây ô nhiễm môi trường sống của con người (xả nước thải, khí thải, chất thải, v.v… tùy tiện), trốn tránh việc thực hiện các nghĩa vụ công dân, v.v… diễn ra phổ biến trong thực tế ngày nay.
Nhà đầu tư & nhà quản trị ‘chưa chuyên nghiệp’ không phải tất cả đều là những người hiểu biết hạn chế (biết gì làm đó), trong số đó có nhiều người rất thông minh, học giỏi, được trang bị tri thức khoa học-kỹ thuật có hệ thống, v.v… nhưng thiếu kiến thức về đạo lý làm người, đạo đức công dân, đạo đức nghề nghiệp nên họ chưa quan tâm đến đạo đức kinh doanh!
Ai cũng mong muốn làm ra tiền để đáp ứng các nhu cầu của cuộc sống bản thân và gia đình, nhưng tiền là phương tiện để sống – không phải là mục tiêu của cuộc sống. Vì vậy, chọn việc để làm, chọn ngành nghề để kinh doanh là nhu cầu cần thiết của mỗi người, nhưng “việc & ngành nghề” cần chọn phải phù hợp với khả năng (hay các nguồn lực có thể huy động hợp pháp), phù hợp với nhu cầu của xã hội, với lợi ích của quốc gia, v.v… Không nên kiếm tiền bằng mọi cách, kể cả xâm hại quyền lợi của người khác, vi phạm đạo đức nghề nghiệp & đạo đức kinh doanh, … vì cuối cùng có thể quyền lợi của bản thân, gia đình và doanh nghiệp cũng không chắc chắn được bảo đảm!