Cách đây vài tháng, nhà đầu tư
lừng danh trên thị trường chứng khoán Mỹ, ông Warren Buffett, đã đầu tư
đến 34 tỉ USD vào Công ty vận tải đường sắt Burlington Northern Santa Fe
Corp (BNSF). Đây là vụ đầu tư lớn nhất của ông trùm và cũng là vụ đầu
tư lớn nhất trong lịch sử đầu tư doanh nghiệp từ cổ chí kim, từ tây sang
đông. Tại sao ông W. Buffett lại tiến hành đầu tư vào đường sắt trong
khi tại Mỹ, ngành vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt khá âm thầm, lặng
lẽ, và ngành chuyên chở công cộng bằng xe lửa cũng không phổ biến như
các quốc gia Ấn Độ, Trung Quốc hay các nước Châu Âu, ngành vận chuyển
hàng hóa bằng xe tải là phương tiện rất phổ biến? Hai phương tiện vận chuyển hàng hóa đường bộ chủ chốt tại Mỹ hiện nay
là xe tải và xe lửa. Xe lửa và xe tải có những ưu điểm như thế nào, và
hai ngành này có cạnh tranh với nhau hay bổ sung cho nhau? Những phương
tiện chuyên chở như tàu bè, xe lửa bao giờ cũng vận chuyển được khối
lượng và trọng lượng hàng hóa với giá hạ hơn xe tải hay máy bay rất
nhiều, vì nó tiêu thụ ít nhiên liệu hơn mà chuyên chở được nhiều hơn gấp
bội. Ông Randy Mullett, Phó Chủ tịch Công ty vận chuyển hàng hóa
Con-way, giải thích:
"Có một số lĩnh vực mà xe lửa và xe tải
cạnh tranh với nhau. Nhưng lĩnh vực cạnh tranh đó rất nhỏ hẹp, nếu xét
đến loại hàng hóa và khu vực mà hai phương tiện vận chuyển này đảm trách
trên toàn quốc Hoa Kỳ. 70% các cộng đồng tại Hoa Kỳ không có xe lửa
chạy đến. Vì vậy, luôn luôn có nhu cầu lớn về xe tải, và tôi dự đoán
rằng ngành xe tải vẫn phát triển và ngành xe lửa phần lớn vẫn sẽ giữ vị
trí như bây giờ.
Có thật nhiều cơ hội cho ngành vận tải sử dụng
đường sắt chuyên chở đường xa để giảm thiểu việc tiêu thụ năng lượng,
giảm thiểu chi phí và giảm ô nhiễm, nhưng ngoài những điểm này, chúng ta
biết rằng xe lửa không đến được tất cả mọi nơi cần đến. Vả lại, xe lửa
không được trang bị để chuyên chở những lượng hàng hay những gói hàng
nhỏ. Vì vậy, tôi phải nhắc lại rằng xe lửa và xe tải cũng có đôi chút
chồng chéo với nhau, cạnh tranh với nhau trong một lãnh vực rất nhỏ,
nhưng nói chung, hai phương tiện chuyên chở này vẫn bổ sung cho nhau, và
là hai đối tác rất tốt cho nhau”.
Xe lửa, thường chở những
khối lượng hàng nặng và lớn, như quặng mỏ, than đá, gỗ, thiết bị, máy
móc và các loại hàng thực phẩm nhưng tính di động của nó không sánh được
với xe tải. Lấy ví dụ, đường xe lửa chỉ có thể chạy từ nhà ga này đến
nhà ga kia, nhưng khi phân phối hàng thì lại phải có xe tải đến nơi để
bốc hàng và phân phối đến tận các địa điểm, như các nhà kho hay cửa hàng
chẳng hạn. Và có những mặt hàng không thể để quá lâu như những thực
phẩm tươi, thường được chuyên chở bằng các loại xe tải chạy rất nhanh và
có hệ thống làm lạnh.
Nhưng vài tháng trước, nhà đầu tư lừng
danh của nước Mỹ, ông Warren Buffett, đã bỏ thêm 26 tỉ USD để mua đứt
Công ty vận tải đường sắt Burlington Northern Santa Fe, công ty mà ông
đã có sẵn số cổ phần trị giá khoảng 8 tỉ đô la trong đó.
Chuyên
gia tài chính học người Mỹ gốc Trung Quốc - Ngô Nhân Dụng giải thích lý
do tại sao ông Warren Buffett lại đầu tư lớn vào ngành vận chuyển bằng
xe lửa:
"Ông Buffett vốn là một nhà đầu tư chiến lược, dài hạn,
chứ không phải loại nhà đầu tư sáng mua chiều bán, cho nên ông thường
tính đến những kế hoạch đầu tư đường dài, và ông cũng thường theo châm
ngôn của các nhà đầu tư, là rẻ thì mua, đắt thì bán. Chính vì hệ thống
xe lửa tại nước Mỹ hầu như bị quên lãng trong suốt mấy chục năm qua và
hiện giờ giá trị cổ phần của những công ty xe lửa đang thấp, nên những
người nhìn xa thấy rằng nó có thể lên thì người ta sẽ mua.
Tôi
cho rằng, lý do khiến ông Warren Buffett nghĩ rằng cổ phiếu ngành xe lửa
sẽ lên là vấn đề năng lượng. Trên thế giới hiện giờ ai cũng biết là số
dầu lửa có giới hạn, và về dài hạn thì giá dầu chỉ có lên chứ không
xuống. Khi đó tất cả những ngành vận tải như máy bay, xe hơi, xe tải sẽ
phải chi phí rất nhiều, và tất nhiên giá mà khách hàng phải trả cũng sẽ
tăng. Khi đó, đường xe lửa có thể là một giải đáp cho nhu cầu vận tải ở
nước Mỹ, và khi vấn đề xăng dầu lên giá được đặt ra thì lúc đó chính phủ
Mỹ cũng sẽ phải hỗ trợ các đường xe lửa giống như tất cả các chính phủ ở
Âu Châu vẫn làm.
Không phải chỉ những nước như Ấn Độ hay Trung
Quốc mới dùng xe lửa nhiều, bên Âu Châu dân chúng cũng sử dụng xe lửa
rất nhiều. Có thể ông Buffett tiên đoán rằng, trong khoảng thời gian 5
hay 10 năm nữa, tương lai ngành xe lửa ở Mỹ sẽ lên cao, và đó có thể là
lý do mà ông đổ một số tiền lớn vào ngành xe lửa" .
Theo tờ
Wall Street Journal, số tiền đầu tư mà ông Buffett đổ vào ngành đường
sắt của Hoa Kỳ là một vụ đánh cược trên tương lai kinh tế của nước Mỹ,
nền kinh tế vốn nhập khẩu rất nhiều hàng hóa và không có phương tiện
chuyên chở nào từ bờ biển phía tây đi khắp nước Mỹ có thể so với xe lửa.
Những người khác lại cho rằng, số tiền đầu tư này là một vụ đánh cược
dựa vào các chính sách lưỡng lợi của chính quyền Obama, đó là xây dựng
cơ sở hạ tầng và cùng lúc đối phó với vấn đề biến đổi khí hậu. Ngành xe
lửa được dành một phần khá lớn trong kế hoạch kích thích kinh tế, và
trong tương lai sẽ nhận được thêm trợ giúp do đạo luật sắp tới về giao
thông vận tải mang lại.