Đà lao dốc rất mạnh và liên tiếp của tỷ giá USD/VND hiện nay có là cơ hội để Ngân hàng Nhà nước tăng cường dự trữ ngoại hối?
Chiều 27/4, lãnh đạo một ngân hàng thương mại tại Hà Nội phản hồi với VnEconomy liên quan đến nội dung bài viết “Mùa gặt ngoại tệ” vừa đăng tải.
Theo ông, câu chuyện ngân hàng chuyển đổi một phần vốn tiền gửi USD lãi suất thấp sang VND để cho vay lãi suất chênh lệch cao, nay có thêm chênh lệch từ tỷ giá giảm, không chỉ có từ thời điểm cuối năm 2010 đầu năm 2011, mà đang tiếp tục thể hiện trên thị trường.
“Cứ tính mà xem, lãi suất cho vay VND bằng tới 300% lãi suất cho vay USD, quá lớn để kích thích chuyển đổi. Không phải hồi đầu năm mà hiện nay, ngày mai các ngân hàng vẫn tiếp tục bán ra theo hướng này. Điều mà chúng tôi chờ đợi là tính toán của Ngân hàng Nhà nước. Liệu có hoạt động mua vào để cải thiện dự trữ ngoại hối hay không? Tôi nghĩ báo nên đề cập đến vấn đề phía sau đó, đó mới là sự quan tâm chính hiện nay”, ông đặt vấn đề.
VnEconomy cũng đã đặt câu hỏi đó với lãnh đạo cao cấp của Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, chưa có câu trả lời cho tình huống được cho là nhạy cảm này.
Từ gần 22 tỷ USD thời điểm cuối năm 2007 đầu năm 2008, dự trữ ngoại hối của Việt Nam - nếu căn cứ theo dữ liệu trong báo cáo cập nhật gần đây của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) - chỉ còn khoảng 12,4 tỷ USD (ước tính đến cuối năm 2010). Sự sụt giảm này gắn với nỗ lực bình ổn của nhà điều hành trong bối cảnh căng thẳng ở nhiều thời điểm trên thị trường ngoại hối những năm gần đây. Tựu trung, đó là hệ quả của một nền kinh tế thiếu ngoại tệ, cụ thể là tình trạng nhập siêu triền miên.
Vậy nay, khi giá USD liên tục lao dốc, cung ngoại tệ thuận lợi có là cơ hội để Ngân hàng Nhà nước mua vào để bù đắp lại một phần sự hao hụt thời gian qua, dự phòng cho tương lai khi nhập siêu chưa thể giải quyết trong ngày một ngày hai? Theo vị lãnh đạo ngân hàng trên, đó là một câu hỏi nhạy cảm, bởi nó đặt trong tình thế khó xử.
Trước hết, với diễn biến rất nhanh chỉ trong một tuần qua, tỷ giá USD/VND đang gây bất lợi đối với các nhà xuất khẩu, cũng như đi ngược mục đích mỗi lần nhà điều hành tăng lên là để góp phần kiềm chế nhập siêu.
Trên thị trường, Ngân hàng Nhà nước đóng vai trò là người mua - bán sau cùng để tạo những cân đối, can thiệp cần thiết theo các ý đồ của mình. Nếu nguồn cung lúc này thuận lợi, giá liên tục giảm mạnh, cơ hội mua vào để cải thiện dự trữ ngoại hối đặt ra. Thế nhưng, quyết định nắm cơ hội hay không của Ngân hàng Nhà nước đang chịu sự ràng buộc là bối cảnh lạm phát.
Sau 4 tháng đầu năm, lạm phát đã tăng tới 9,64%, vượt xa mục tiêu kiềm chế ở mức 7% mà Chính phủ đề ra và Quốc hội đã thông qua. Lạm phát cao bất thường, yếu tố cung tiền trở nên nhạy cảm; việc đưa VND ra mua USD để cải thiện dự trữ ngoại hối theo đó là một lựa chọn khó khăn. Hay nói một cách hình ảnh, đó là cái khó của nhà nghèo nhưng vẫn phải ăn kiêng.
Dĩ nhiên, trong trường hợp Ngân hàng Nhà nước mua vào, có thể phối hợp nhịp nhàng với các công cụ khác để điều hòa. Đơn cử như tháng 2/2008, trước nguồn cung ngoại tệ đột biến, nhà điều hành đã tranh thủ nâng cao dự trữ ngoại hối, đồng thời sử dụng công cụ tín phiếu phiếu bắt buộc để rút 20.300 tỷ đồng trong lưu thông.
Dù sao thì lúc này, các ngân hàng thương mại đang chờ đợi ứng xử của Ngân hàng Nhà nước để cân nhắc hành động.
Còn trên thị trường, sau cú hồi nhẹ đầu giờ chiều ngày 27/4, giá USD bán ra theo biểu niêm yết của các ngân hàng thương mại lại tiếp tục đổ dốc. Giá USD bán ra của Vietcombank tính đến 15h chiều nay (28/4) đã lùi sâu về 20.590 VND, giảm tới 100 VND so với ngày 26/4; giá mua vào chỉ còn 20.490 VND, khoảng cách giữa hai giá chính thức được nới rộng lên 100 VND. Thậm chí tại Eximbank, mức bán ra còn thấp hơn, chỉ 20.565 VND = 1 USD.