Ngày nay, các doanh nghiệp có
định hướng phát triển lâu dài "quản trị chất lượng" (sản phẩm/dịch
vụ, công việc, môi trường…) theo tiến trình kết hợp với kết quả cuối cùng để
thu được “chính phẩm”; những phần việc, những công đoạn, v.v… chưa đạt tiêu
chuẩn chất lượng theo yêu cầu bị loại bỏ ngay trong tiến trình hoạt động hay
tiến trình sản xuất nhằm xây dựng uy tín nhãn hiệu hàng hóa lâu dài với khách
hàng mục tiêu và cộng đồng. Đây là xu hướng diễn ra phổ biến ở nhiều tổ chức
của các nước phát triển, các nước công nghiệp mới và các nước đang phát triển
(trong đó có các doanh nghiệp của Việt Nam) nhằm tránh lãng phí các nguồn lực
được đầu tư, kể cả nguồn lực thời gian.
Để nâng cao “chất lượng đầu ra”
trong các tiến trình hoạt động, nguyên tắc quản trị hiện đại nói chung và
phương pháp quản trị chất lượng hiện đại nói riêng cần được áp dụng rộng rãi
trong các loại hình tổ chức khác như: trường học các cấp, bệnh viện, cơ quan
công quyền, v.v… nhằm nâng cao liên tục hiệu quả kinh tế - xã hội của từng tổ
chức trong quá trình hoạt động và phát triển nhanh chóng theo thời gian. Đây là
xu hướng tất yếu để các tổ chức của các nước đang phát triển như VN thích nghi
với xã hội tri thức của thế kỷ 21 và rút ngắn khoảng cách về nhiều lĩnh vực
trong đời sống kinh tế-xã hội so với các nước công nghiệp mới & các nước
phát triển.
Ở các trường đại học thuộc khối
kinh tế, giảng viên chuyên ngành quản trị kinh doanh giới thiệu & chuyển
giao thông tin các môn học về nguyên tắc quản trị hiện đại tiêu biểu như: Quản
trị căn bản, quản trị chiến lược, quản trị nguồn nhân lực, quản trị chất lượng,
v.v… cho người học để vận dụng vào thực tế hoạt động của các loại hình tổ chức
trong xã hội, nhất là các doanh nghiệp. Tuy nhiên, các trường học của nước ta
nói chung và nhiều trường đại học của VN nói riêng chưa quan tâm đúng mức đến
việc trang bị kiến thức “nguyên tắc quản trị hiện đại” cho nhà quản trị các
cấp, đặc biệt là “nguyên tắc quản trị chất lượng hiện đại” như nhà quản trị của
các doanh nghiệp có định hướng phát triển lâu dài đang thực hiện. Điều này đã
và đang ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực mà nhiều trường đào tạo &
cung cấp cho xã hội thời gian qua. Số lượng sinh viên - học viên được đào tạo
bậc đại học, sau đại học ở nước ta thuộc nhiều hệ, nhiều cấp, nhiều hình thức,
v.v… gia tăng theo thời gian, nhưng tiêu chuẩn chất lượng “sản phẩm đặc biệt”
giữa các nơi đào tạo chưa đồng đều!
Trong thực tế, người có bằng cấp
bậc đại học, sau đại học ở nước ta gia tăng nhanh chóng sau khi nền kinh tế VN
chuyển sang cơ chế “kinh tế thị trường”. Đây là điều rất đáng trân trọng và
đáng mừng đối với một quốc gia đang phát triển, đang nỗ lực vươn lên như nước
ta… vì trí tuệ hay tri thức tích lũy của nguồn nhân lực được đào tạo chính là
nền tảng để phát triển đất nước bền vững. Tuy nhiên, điều chưa vui lắm trong xã
hội là hiện tượng “nhiều người có bằng cấp” nhưng kiến thức tích lũy chưa tương
xứng với “bằng cấp” đang phổ biến, khả năng & kết quả thực hiện công việc
chuyên môn thuộc lĩnh vực được đào tạo ở các cấp bậc … trong thực tế đang có
nhiều vấn đề cần bàn luận!
“Sản phẩm đặc biệt” của ngành giáo dục bậc đại học, sau đại
học của VN hiện có cả “chính phẩm lẫn thứ phẩm” nên ảnh hưởng
đến khả năng & hiệu quả thực hiện công việc trong các tổ chức của nước ta;
vì vậy, khả năng tạo lợi thế cạnh tranh (chi phí thấp & sản phẩm khác biệt)
trong nhiều lĩnh vực thuộc nhiều ngành chưa cao so với tiềm năng nguồn nhân lực
của đất nước! Để có được nguồn nhân lực được đào tạo theo cấp bậc, nhất là bậc
đại học, sau đại học luôn là “chính phẩm”, nguyên tắc quản trị hiện đại cần
được thực hiện tốt ở các trường đại học của nước ta, nhất là thực hiện tốt
nguyên tắc “quản trị chất lượng”. Điều kiện tiên quyết để đạt được kết quả này
là “nhà quản trị các cấp trong các tổ chức đào tạo - nhất là cấp cao, người
giảng dạy, người hỗ trợ giảng dạy, v.v… ở các trường đại học VN cần được “quản
trị chất lượng” đúng tiêu chuẩn hiện đại như các nước phát triển.
Là người VN, ai cũng muốn
tự hào về trí tuệ, về khả năng sáng tạo, về những thành quả đạt được trong quá
trình phát triển kinh tế - xã hội của dân tộc. Vì vậy, tuổi trẻ, tâm hồn trẻ,
trí tuệ mới… của người VN cần được nuôi dưỡng và phát triển tốt qua hệ thống
giáo dục đúng chuẩn mực từ gia đình, trường học và trường đời.