Ngày nay, các khái niệm: văn hóa tổ chức, đạo đức kinh doanh, v.v… được đề cập nhiều trên các diễn đàn, các phương tiện truyền thông đại chúng, các buổi tọa đàm, v.v… Đây là mối quan tâm của nhiều nhà đầu tư, nhiều nhà quản trị có định hướng xây dựng và phát triển tổ chức hay doanh nghiệp lâu dài.
Văn hóa tổ chức & đạo đức kinh doanh liên quan đến “Quản trị chiến lược” trong sản xuất - kinh doanh, cũng như hoạt động của các loại hình tổ chức khác trong xã hội. Vì vậy, tôi xin phép trao đổi với các bạn một vài điều về vấn đề này.
1. Văn hóa tổ chức là gì?
Văn hóa tổ chức là khái niệm tổng quát, được sử dụng chung cho tất cả các loại hình tổ chức ở mỗi quốc gia, nếu là doanh nghiệp thì gọi là “văn hóa doanh nghiệp”.
Văn hóa tổ chức là hệ thống các giá trị, tồn tại qua “giá trị tri thức tích lũy” của các thành viên trong tổ chức, biểu hiện qua “thái độ và hành vi ứng xử” trong giao tiếp và thực hiện các công việc chuyên môn, được đánh giá qua “giá trị các sản phẩm hữu hình hoặc vô hình” (các kết quả) mà mỗi tổ chức đạt được trong từng kỳ.
Trong thực tế, văn hóa tổ chức được đánh giá qua những thành phần tiêu biểu như:
- Những giá trị cốt lõi của các thành viên (thể hiện qua: quan điểm đúng đắn về nhiệm vụ - quyền lợi - quyền hành - trách nhiệm, tinh thần mạo hiểm trong nghiên cứu khoa học, tinh thần hợp tác trong công việc & trong các mối quan hệ đối nội và đối ngoại, dám nghĩ - dám làm - dám chịu trách nhiệm, v.v…)
- Các chuẩn mực của hành vi trong các mối quan hệ ứng xử (như: tận tâm trong công việc, sẵn sàng hỗ trợ người khác, luôn tìm kiếm cái mới để cải tiến công việc liên tục, biết lắng nghe, v.v… Mọi người trong tổ chức cởi mở trong giao tiếp để hiểu biết lẫn nhau. Trung thực trong lời nói, việc làm, đánh giá, v.v… nhằm xây dựng uy tín cá nhân, uy tín nhóm công việc, uy tín doanh nghiệp lâu dài. Phải coi trọng hiệu quả trong tất cả các quyết định, tất cả các hoạt động trong từng khâu công việc, từ đơn giản đến phức tạp, v.v… nhằm thực hiện tốt trách nhiệm xã hội cơ bản đầu tiên là “Kinh doanh phải có lợi nhuận và lợi nhuận hợp pháp”. Nhà quản trị các cấp phải tạo môi trường làm việc thuận lợi cho cấp dưới, tạo cơ hội để các thành viên phát huy tối đa các khả năng tiềm tàng thông qua các hoạt động hỗ trợ, v.v…).
- Những biểu hiện khác như: Những niềm tin (chẳng hạn: tin vào qui luật “nhân - quả” để luôn nỗ lực trong công việc, để sống lương thiện), những giai thoại hay những câu chuyện liên quan đến tổ chức (nhằm giúp thế hệ sau vừa có được niềm tự hào khi là thành viên của công ty, vừa xây dựng và củng cố niềm tin), các nghi lễ (nhằm tác động đến tinh thần làm việc của các thành viên trong tổ chức, làm cho họ luôn hứng khởi, luôn nhiệt tình, thúc đẩy tính sáng tạo, v.v… trong quá trình làm việc), những điều cấm kỵ (các thành viên của doanh nghiệp không được thực hiện ở nơi làm việc hoặc bất cứ nơi nào khác khi đang làm việc chính thức hoặc không chính thức cho công ty, được ghi rõ trong qui tắc đạo đức kinh doanh), thói quen quan tâm đến chất lượng (chất lượng quản trị, chất lượng công việc, chất lượng sản phẩm hay dịch vụ, chất lượng môi trường đối với từng tình huống sản xuất kinh doanh, v.v…là mối quan tâm hàng đầu của các doanh nghiệp có định hướng kinh doanh lâu dài).
Vì vậy, văn hóa tổ chức được xem là một “nguồn lực vô hình” quan trọng, có khả năng giúp doanh nghiệp và các loại hình tổ chức khác duy trì và nâng cao khả năng cạnh tranh, nâng cao uy tín và danh tiếng về đạo đức và hiệu quả trong quá trình phát triển ở từng khu vực địa lý cũng như trên phạm vi toàn cầu.
Những nhà đầu tư và nhà quản trị cấp cao có tầm nhìn chiến lược, có định hướng phát triển tổ chức lâu dài chủ động xây dựng và nâng cao liên tục giá trị văn hóa tổ chức thông qua triết lý hay quan điểm kinh doanh, các chiến lược, các chính sách, các qui tắc, các chương trình hành động, v.v… thích nghi với những thay đổi của môi trường theo không gian và thời gian.
Văn hóa bắt nguồn từ con người, được hình thành và nâng cao do giáo dục, từ gia đình đến trường học và trường đời. Kinh tế - xã hội của một quốc gia muốn phát triển nhanh và bền vững; giáo dục phải đi trước, phải đủ khả năng khơi nguồn trí tuệ của dân tộc và biết kết hợp với tinh hoa của nhân loại trong thế giới phát triển.
2. Thế nào là đạo đức kinh doanh?
Đạo đức kinh doanh là hệ thống các giá trị (liên quan đến đạo đức, phù hợp với quan điểm hay triết lý kinh doanh) mà các thành viên trong tổ chức cần xây dựng và tổ chức thực hiện nhằm giúp doanh nghiệp phát triển bền vững và có khả năng đạt được các mục tiêu lâu dài.
Đạo đức kinh doanh là thành phần quan trọng của văn hóa tổ chức, thể hiện qua những nội dung cơ bản:
- Giá trị tri thức tích lũy của các thành viên trong tổ chức, bao gồm những hiểu biết về: đạo lý làm người, đạo đức công dân, đạo đức nghề nghiệp, đạo đức kinh doanh (Phần tri thức này được tích lũy từ hệ thống giáo dục: gia đình, trường học và tổ chức hay nơi làm việc, v.v...).
- Hành vi ứng xử giữa: người với người, người với công việc, người với môi trường sống (xã hội và thiên nhiên) - (Tri thức quyết định khả năng nhận thức và điều khiển hành vi).
- Kết quả hoạt động của tổ chức hay doanh nghiệp theo thời gian, thông qua giá trị các sản phẩm hữu hình hay vô hình - liên quan đến khía cạnh đạo đức (Hành vi nào thì kết quả đó).
Trong thực tế, đạo đức kinh doanh thể hiện qua văn bản “Qui tắc đạo đức kinh doanh”, bao gồm ‘những điều cần thực hiện’ và ‘những điều không được thực hiện’ khi là thành viên của doanh nghiệp (từ nhà quản trị cấp cao đến người thừa hành). Nội dung của qui tắc này liên quan đến các vấn đề pháp lý và đạo lý ở từng quốc gia (nơi đầu tư, nơi mua hàng, nơi bán hàng). Qui tắc đạo đức kinh doanh được các nhà quản trị có trách nhiệm xây dựng khi hoạch định các kế hoạch kinh doanh (kế hoạch chiến lược, kế hoạch tác nghiệp), thể hiện rõ quan điểm về đạo đức kinh doanh của các nhà đầu tư khi khởi nghiệp hay trong quá trình hoạt động.
“Qui tắc đạo đức kinh doanh” được hình thành và phổ biến rộng rãi đến tất cả các thành viên khi họ gia nhập tổ chức. Văn bản “Qui tắc đạo đức kinh doanh” được xem như “Pháp luật nội bộ” mà tất cả các thành viên phải tôn trọng và thực hiện trong quá trình thực hành các phần việc được phân công. Đây là căn cứ để phán xét hành vi của các thành viên trong các tiến trình hoạt động, những vi phạm “Pháp luật nội bộ” đều bị xử lý theo các mức độ, phù hợp với các qui định trong từng điều khoản.
Các chiến lược và chính sách trong lĩnh vực “Quản trị nguồn nhân lực” của tổ chức hay doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện qui tắc đạo đức kinh doanh và phát triển văn hóa tổ chức bền vững.
Các bạn có biết vì sao nhiều tổ chức của nước ta vẫn chưa quan tâm đúng mức đến việc xây dựng qui tắc đạo đức kinh doanh và phát triển giá trị văn hóa tổ chức không?